Quảng cáo sai về công dụng của TPCN bị xử lý thế nào?
Thời gian qua không ít người dân phải “ngậm quả đắng” vì dính phải chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan trên các trang mạng xã hội. Nhiều người vì tin tưởng những lời quảng cáo có cánh này đã mất đi cơ hội vàng trong điều trị, phải trả giá bằng tiền bạc, sức khỏe thậm chí là tính mạng của mình.
Quy định về việc quảng cáo sai, gây hiểu nhầm về công dụng của thực phẩm chức năng
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, nội dung quảng cáo thực phẩm phải phù hợp với Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Quảng cáo thực phẩm phải có các nội dung: Tên thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có) và Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Đồng thời, Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP cũng quy định, không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cũng quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa mà mình kinh doanh là hành vi bị cấm.
Như vậy, hành vi quảng cáo sai, gây hiểu nhầm về công dụng của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là một trong những hành vi bị cấm.
Quảng cáo, thông tin sai về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị xử lý thế nào?
Cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo, thông tin sai về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính
Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP), cụ thể:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt gấp 02 lần so với cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, tùy vào từng hành vi vi phạm cụ thể, các nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Biện pháp khắc phục hậu quả Buộc cải chính thông tin, Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo có vi phạm, tiêu hủy tang vật vi phạm.
Xử lý hình sự
Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, hành vi quảng cáo, thông tin sai về công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015:
“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
- Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Người dân khi mua, sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị thổi phồng công dụng thì cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, người tiêu dùng có quyền “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.”
Đồng thời, Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 về xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, quy định, cá nhân, tổ chức quảng cáo phải bồi thường theo quy định của pháp luật nếu gây thiệt hại.
Do đó, trong trường hợp khách hàng, người dân khi mua, sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị thổi phồng công dụng, không đúng như công bố với cơ quan chức năng và phải chịu những hậu quả, hệ lụy cả về sức khỏe và tài chính từ thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây ra thì có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Việc xác định thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản, tổn thất tinh thần được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Ngoài ra, khách hàng, người dân hoàn toàn có thể khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
>>Xem thêm: Cần lưu ý gì khi mua bảo hiểm nhân thọ?
Trên đây là bài viết về: Quảng cáo sai về công dụng của TPCN bị xử lý thế nào?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Giấy khai sinh là gì ? Đi đăng ký khai sinh ở đâu theo quy định pháp luật
Giấy khai sinh là gì ? Đi đăng ký khai sinh ở đâu ? Nội dung đăng ký khai sinh như thế nào theo quy định mới nhất của pháp [...]
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Những đối tượng nào được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội? Điều kiện để được hưởng chính sách này [...]