Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hành vi in sách lậu
Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hành vi in sách lậu được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thế nào là hành vi in sách lậu?
Theo Khoản 6 Điều 28 và Khoản 3 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định như sau:
“Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
…
6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.”
“Điều 213. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ
…
3. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.”
Bên cạnh đó, sách lậu được hiểu là bản sao được sản xuất mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và được xem là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.
Do đó, hành vi in sách lậu được xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả, trừ trường hợp sau đây:
- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hành vi in sách lậu
Hành vi in sách lậu sẽ bị xử lý theo quy định như sau:
Trách nhiệm hành chính
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 27 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009), hành vi in sách lậu là hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ nên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi in sách lậu sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng;
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm (cụ thể ở đây là sách in lậu).
Trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cá nhân có hành vi in sách lậu sẽ bị coi là tội phạm và chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu thực hiện hành vi với:
- Quy mô thương mại;
- Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hoặc
- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hoặc
- Hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Nếu thuộc vào các tình tiết tăng nặng (như phạm tội có tổ chức, phạm tội 02 lần trở lên, thu lợi bất chính với số tiền lớn,…), cá nhân có hành vi in sách lậu còn có thể bị phạt tù lên đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Lưu ý: Đối với pháp nhân thương mại thực hiện hành vi in sách lậu thì bị phạt như sau:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
- Còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
>>Xem thêm: Các hành vi xâm phạm quyền tác giả phổ biến nhất năm 2022
Trên đây là bài viết về: Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hành vi in sách lậu. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Phân loại tác phẩm
Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Theo đó, [...]
Phân loại hợp đồng sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan
Trên thực tế, hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan rất phong phú và đa dạng. Việc phân loại hợp đồng [...]