Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện
Người không có quyền đại diện xác lập giao dịch với người thứ ba nhân danh người được đại diện thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện với người thứ ba. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Lawkey tìm hiểu về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập thực hiện.
Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện có làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện hay không?
Hành vi nhân danh người khác là hành vi vi phạm pháp luật có thể xâm phạm đến danh dự, uy tín của người được nhân danh và có thể gây thiệt hại cho người được nhân danh. Nói cách khác đó là hành vi mạo danh người khác tham gia giao dịch, vì vậy người nhân danh người khác tham gia giao dịch phải chịu trách nhiệm với người đã tham gia giao dịch đó.
Tuy nhiên tại Điều 142 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về trường hợp làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện trong một số trường hợp sau:
– Người được đại diện công nhận giao dịch
– Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời gian hợp lý
– Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện
Ví dụ: Bệnh viện A cho cá nhân mang máy chụp X-quang, máy xét nghiệm,…đặt trong bệnh viện, làm cho bệnh nhân tin rằng đây là máy của bệnh viện nên đã chụp X quang và bị thiệt hại…
Người không có quyền đại diện có phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình không?
Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình.
Nếu người thứ ba đã biết hoặc buộc phải biết người tham gia giao dịch với mình không có quyền đại diện mà vẫn xác lập giao dịch thì giao dịch đó vô hiệu, vì vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch là không có ý chí tự nguyện của người tham gia giao dịch.
Quyền của người giao dịch với người không có quyền đại diện
Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu người mạo danh người khác xác lập, thực hiện giao dịch với mình phải bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trường hợp đã giao dịch với người không có quyền đại diện biết hoặc phải biết việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch thì không có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập. Vì người đã giao dịch với người không có quyền đại diện đã chấp nhận giao dịch với chính người không có quyền đại diện, cho nên giao dịch có hiệu lực buộc người không có quyền đại diện phải tự chịu trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch.
Trường hợp gây thiệt hại cho người được đại diện
Trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Trên đây là nội dung tư vấn về Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.

Tình huống về thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản khởi kiện đòi nợ theo quy định
Thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay tài sản, khởi kiện đòi nợ theo quy định. Nếu hết thời hiệu khởi kiện có kiện [...]

Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên tài sản đang tranh chấp
Nhằm bảo đẩm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, chứng cứ,… đương sự có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp [...]