Biên bản hỏi cung bị can theo Bộ luật tố tụng hình sự
Biên bản hỏi cung bị can là gì? Yêu cầu đối với trình tự thủ tục, người có thẩm quyền lập biên bản hỏi cung bị can được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Biên bản hỏi cung bị can là gì?
Biên bản hỏi cung bị can là Bản ghi lời khai của bị can khi hỏi cung. Mỗi lần hỏi cung đều phải lập biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm hỏi cung; họ tên, chức vụ của người ghi biên bản; họ tên, chức vụ người hỏi cung; họ tên những người tham gia hỏi cung; họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp của bị can.
Biên bản hỏi cung bị can là tài liệu phản ánh nội dung, kết quả của một hoạt động điều tra quan trọng và là một trong những nguồn chứng cứ. Vì vậy, để bảo đảm cho việc hỏi cung có giá trị pháp lý, việc lập biên bản hỏi cung bị can phải tuân theo các quy định của Điều 133 và Điều 178 Bộ luật tố tụng hình sự. Mỗi lần hỏi cung bị can, Điều tra viên đều phải lập biên bản. Biên bản phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi của Điều tra viên và câu trả lời của bị can. Nghiêm cấm Điều tra viên tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.
Yêu cầu đối với trình tự thủ tục, nội dung lập biên bản hỏi cung bị can
Theo Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về biên bản hỏi cung bị can như sau
– Mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản.
Biên bản hỏi cung bị can được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này; phải ghi đầy đủ lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên, Cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.
– Sau khi hỏi cung, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc. Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang biên bản. Trường hợp bị can viết bản tự khai thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị can cùng ký xác nhận vào bản tự khai đó.
– Trường hợp hỏi cung bị can có người phiên dịch thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết quyền yêu cầu thay đổi người phiên dịch; người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản hỏi cung.
Trường hợp hỏi cung bị can có mặt người bào chữa, người đại diện của bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện cùng ký vào biên bản hỏi cung. Trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi của người bào chữa và trả lời của bị can.
– Trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì biên bản được thực hiện theo quy định của Điều này. Biên bản hỏi cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
>>Xem thêm: Hỏi cung bị can theo Bộ luật Tố tụng hình sự
Trên đây là bài viết về “Biên bản hỏi cung bị can theo Bộ luật tố tụng hình sự” LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey.
Ai là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự?
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự là ai? Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình [...]
Tội môi giới mại dâm
Mại dâm là tệ nạn xã hội mà nếu không ngăn chặn, xử lý sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vậy [...]