Hỏi cung bị can theo Bộ luật Tố tụng hình sự
Hỏi cung bị can là gì? Quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và nguyên tắc hỏi cung bị can được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hỏi cung bị can là gì?
Hỏi cung bị can là một biện pháp phát hiện, thu thập chứng cứ trong tố tụng hình sự, do điều tra viên tiến hành bằng cách đặt câu hỏi để bị can trả lời và ghi nhận thông qua việc ghi âm, ghi hình có âm thanh, trong biên bản hỏi cung bị can.
Trình tự, thủ tục hỏi cung bị can
Theo Điều 183 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về việc hỏi cung bị can như sau:
– Việc hỏi cung bị can do điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung bị can, điều tra viên phải thông báo cho kiểm sát viên và người bào chữa thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung bị can;
– Trước khi tiến hành hỏi cung lần đầu, điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào biên bản.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết bản tự khai của mình;
– Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản;
– Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
– Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh;
– Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nguyên tắc hỏi cung bị can
Qúa trình tiến hành hỏi cung bị can phải bảo đảm nguyên tắc tuyệt đôi khách quan, thận trọng, nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, bí mật thông tin. Điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.
Một trong những điểm mới nổi bật của BLTTHS năm 2015 đó là việc hỏi cung bị can phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Để quy định này được thực hiện thống nhất, liên ngành tư pháp trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch nói trên thì, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại âm thanh hoặc hình ảnh có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là phương tiện, thiết bị ghi âm thanh hoặc ghi hình có âm thanh gồm: thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ, các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Thông tư liên tịch này
>>Xem thêm: Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can
Trên đây là bài viết về” Hỏi cung bị can theo Bộ luật Tố tụng hình sự” LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey.
Tội rửa tiền theo luật hình sự
Tội phạm rửa tiền đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy rửa tiền là gì ? Tội [...]
Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện
Căn cứ khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện được Bộ luật tố tụng hình sự quy định như thế nào? [...]