Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quyền sở hữu trí tuệ
Pháp luật quy định trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả xảy ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ có gì khác so với quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự? Lawkey xin đưa ra một số vấn đề sau đây:
Quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện vụ án dân sự về quyền sở hữu trí tuệ.
Khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT trong các trường hợp sau:
– Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Thiệt hại là hậu quả tất yếu của hành vi xâm phạm sắp xảy ra và khi thiệt hại xảy ra thì không thể khắc phục được cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nếu không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
– Hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ nếu không được bảo vệ kịp thời.
+ Tẩu tán là việc phân tán nhanh hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đi nhiều nơi để dấu.
+ Tiêu huỷ là việc làm cho hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị biến dạng hoặc bị mất hẳn đi, không để lại dấu vết.
Lưu ý:
– Toà án quyết định áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nêu trên trước khi nghe ý kiến của bên bị áp dụng biện pháp đó.
– Trường hợp bên yêu cầu muốn áp dụng bBPKCTT quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, thì Toà án áp dụng các quy định tương ứng của Bộ luật tố tụng dân sự. Khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu Toà án áp dụng một hoặc một số BPKCTT theo Bộ luật tố tụng dân sự, thì Toà án phải xem xét các BPKCTT được yêu cầu áp dụng có liên quan đến lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ hay không để áp dụng cho phù hợp.
– Đương sự có thể đồng thời yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT quy định tại Luật sở hữu trí tuệ và Bộ luật tố tụng dân sự hoặc chỉ yêu cầu Toà án áp dụng quy định tại 1 trong 2 văn bản trên.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây được áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó:
– Thu giữ;
– Kê biên;
– Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển;
– Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.
Lưu ý, Các BPKCTT được áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Nghĩa vụ của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Người yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTT không phân biệt theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ hay quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, phải thực hiện biện pháp bảo đảm tương ứng. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Toà án buộc người yêu cầu áp dụng BPKCTT thực hiện biện pháp bảo đảm.
Nghĩa vụ chứng minh quyền yêu cầu
Người yêu cầu áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ chứng minh quyền yêu cầu theo quy định về quyền yêu cầu Toà án áp dụng BPKCTTbằng các tài liệu, chứng cứ như sau:
– Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng, quyền tác giả, quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền của tổ chức phát sóng đã được đăng ký:
+ Bản sao Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Bằng bảo hộ giống cây trồng, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;
+ Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền đăng ký các đối tượng đó cấp.
– Đối với nhãn hiệu được đăng ký quốc tế, chứng cứ chứng minh là bản sao giấy Chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định.
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại
Người yêu cầu áp dụng BPKCTT có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại gây ra cho người bị áp dụng biện pháp đó trong trường hợp người đó không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này, người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải nộp khoản bảo đảm bằng một trong các hình thức sau:
– Khoản tiền bằng 20% giá trị hàng hoá cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị hàng hóa đó. Toà án yêu cầu người yêu cầu áp dụng BPKCTT phải nêu rõ số lượng, chủng loại hàng hoá cần áp dụng BPKCTT, dự kiến, ước tính giá trị hàng hoá đó để xác định giá trị hàng hoá cần áp dụng BPKCTT làm cơ sở cho việc ấn định khoản tiền bảo đảm. Giá trị hàng hoá đó được xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; dựa trên các căn cứ theo thứ tự sau:
+ Giá niêm yết của hàng hoá xâm phạm;
+ Giá thực bán của hàng hoá xâm phạm;
+ Giá thành của hàng hoá xâm phạm (nếu chưa được xuất bán);
+ Giá thị trường của hàng hoá tương đương có cùng chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng.
– Chứng từ bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác. Chứng từ bảo lãnh có thể là: thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh được xác lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác.
Huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Toà án ra quyết định huỷ bỏ BPKCTT đã được áp dụng trong các trường hợp quy định về hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT tại Bộ luật tố tụng dân sự và trong trường hợp người bị áp dụng BPKCTT chứng minh được việc áp dụng BPKCTT là không có căn cứ xác đáng.
Trong trường hợp huỷ bỏ BPKCTT, Toà án phải xem xét để trả lại cho người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khoản bảo đảm. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không có căn cứ xác đáng và gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Toà án buộc người yêu cầu phải bồi thường thiệt hại.
Thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Thẩm quyền, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Xem thêm: Quyền đăng ký nhãn hiệu
Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý
Trên đây là một số nội dung về vấn đề Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với Lawkey để được giải đáp.
Có cần ghi tên đơn vị gia công trên nhãn hàng hóa không?
Có cần ghi tên đơn vị gia công trên nhãn hàng hóa không? Các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa là gì? [...]
Hành vi xâm phạm thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
Hiện nay, việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề thường gặp. Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn (thiết [...]