Chậm trả lương cho nhân viên có phải bồi thường?
Doanh nghiệp thường đưa chốt vào một ngày cụ thể để trả lương cho nhân viên. Nhưng có những trường hợp vô tình hoặc cố ý doanh nghiệp trả chậm lương. Vậy chậm trả tiền lương cho nhân viên có phải bồi thường hay chịu trách nhiệm gì không?
Tiền lương là gì?
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tùy theo quy định của từng công ty, doanh nghiệp mà hình thức trả lương và thời gian trả lương cũng khác nhau. Nhưng sau khi kết thúc một tháng làm việc thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động theo quy định. Vậy pháp luật quy định như thế nào về nguyên tắc trả lương cho người lao động? Trường hợp chậm trả lương cho người lao động có bị phạt không?
Nguyên tắc trả lương cho người lao động
Theo Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 quy định về nguyên tắc trả lương cho người lao động thì người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Và theo khoản 2 Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:
“Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:
a) Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
b) Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.”
Mức xử lý người sử dụng lao động chậm trả lương cho người lao động
Nếu người sử dụng lao động không đưa ra lý do quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì việc công ty chậm trả lương 5 ngày phải bồi thường cho người lao động, ngoài việc phải trả đủ lương còn phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Nếu công ty có lí do chính đáng quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì không phải trả thêm khoản bồi thường. Nhưng nếu đến ngày thứ 15 kể từ ngày trả lương hàng tháng, công ty vẫn chưa trả lương thì người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động theo điểm b Khoản 2 Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 95/2013/NĐ-CP về hành vi trả lương không đúng hạn cho người lao động theo một trong các mức sau đây:
– Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
– Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
– Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Trên đây là tư vấn của LAWKEY về tiền lương chậm trả. Người lao động có thể tham khảo về tiền lương làm thêm có phải chịu thuế thu nhập cá nhân?
Người lao động có quyền làm thêm ngoài giờ không?
Để đáp ứng đủ điều kiện chi tiêu sinh hoạt, nhiều người lao động phải kiếm việc làm thêm ngoài giờ. Vậy người [...]
Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động đang tham gia làm việc
Người lao động được hỗ trợ chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 37 Nghị định 37/2016/NĐ-CP. Dưới [...]