Nên làm gì khi bị xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân
Quyền hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân của mỗi người và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Bất kỳ việc sử dụng các hình ảnh cá nhân vì mục đích gì thương mại hay phi thương mại cần sự cho phép của cá nhân đó trừ một số trường hợp nhất định. Pháp luật quy định như thế nào về quyền hình ảnh của cá nhân? Hành vi xâm phạm quyền hình ảnh thì bị xử lý như thế nào?
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
“Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Các trường hợp sử dụng hình ảnh không phải xin phép
Việc sử dụng hình ảnh trong 02 trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ, gồm:
– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Làm gì khi quyền hình ảnh bị xâm phạm?
Các hành vi xâm phạm quyền của các cá nhân đối với hình ảnh trong nhiều trường hợp gây ảnh hưởng; tác động xấu đến tinh thần; danh dự và nhân phẩm của các cá nhân có hình ảnh.
Trong trường hợp phát hiện bất kỳ hành vi nào xâm phạm đến quyền nhân thân đối với hình ảnh của mình cá nhân có quyền:
Yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân
Theo Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt với mức từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng.
“Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;
b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh; lời nói; chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý; trừ trường hợp được pháp luật cho phép.”
Trong lĩnh vực báo chí và xuất bản; hành vi đăng; phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó; trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng.
Trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”.
Trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
>> Xem thêm: Có được tự mình thực hiện công việc đã ủy quyền
Trên đây là tư vấn của LAWKEY. Để biết thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
Chủ thể của hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật
Chủ thể của hợp đồng dịch vụ gồm những ai? Pháp luật dân sự hiện nay quy định các chủ thể này có quyền và nghĩa [...]
Mẫu đơn yêu cầu tuyên bố mất tích theo quy định hiện hành
Một người nếu biệt tích trong 2 liền trở lên và đã được người thân thực hiện đầy đủ các biện pháp tìm kiếm nhưng [...]