Thủ tục đăng ký bản quyền Phần mềm máy tính
Phần mềm máy tính hay Chương trình máy tính là một trong các đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả. Vậy đăng ký bản quyền phần mềm máy tính như thế nào? Chi phí đăng ký là bao nhiêu?
Thế nào là quyền tác giả đối với phần mềm máy tính?
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Phần mềm máy tính được bảo hộ dưới dạng Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.
Phần mềm máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Tác giả được hưởng các quyền nhân thân và các quyền tài sản theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành. Đăng ký bản quyền phần mềm sẽ giúp tác giả bảo hộ được phần mềm của mình, tránh sự sao chép của các yếu tố bên ngoài.
>> Xem thêm: Quy định về quyền liên quan đến quyền tác giả
Ai có quyền đăng ký bản quyền phần mềm?
Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu tác phẩm và tác giả (Người sáng tạo ra tác phẩm phần mềm) có quyền trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả
Cá nhân, pháp nhân nước ngoài tạo ra phần mềm có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nộp đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả.
Hồ sơ thực hiện
– Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn;
– 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 02 Bản sao định hình phần mềm máy tính như đĩa CD ghi nội dung chương trình phần mềm máy tính hoặc bản in phần mềm máy tính.
– Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền;
– Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Trình tự thực hiện
Hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn
Phí cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả
– 600.000 đồng/Giấy chứng nhận.
Thời hạn bảo hộ
– Quyền nhân thân được bảo hộ vô thời hạn.
– Quyền tài sản được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
>> Xem thêm: Hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả
Trên đây là tư vấn của LAWKEY. Để biết thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
Điều kiện kinh doanh và Thủ tục xin giấy phép dịch vụ tư vấn du học
Điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học ? Hồ sơ, thủ tục xin giấy phép tư vấn du học như thế nào ? Chia sẻ từ kinh [...]
Điều kiện kinh doanh nhập khẩu rượu theo quy định mới nhất
Điều kiện nhập khẩu rượu được quy định cụ thể như thế nào? Quy định về điều kiện kinh doanh nhập khẩu rượu [...]