Cơ cấu tổ chức của Sở và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
Sở và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là một cơ quan rất quen thuộc đối với người dân. Vậy chức năng, cơ cấu của cơ quan này là gì?
Khái niệm Sở và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
Ngày 02 tháng 10 năm 2015, Liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về: Lao động; việc làm; dạy nghề; tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội).
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về: Việc làm; dạy nghề; lao động, tiền lương; tiền công; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); an toàn lao động; người có công; bảo trợ xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản; chịu sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Cơ cấu Sở và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc. Cơ cấu, tổ chức Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gồm 10 phòng: Văn phòng (bao gồm công tác pháp chế); Thanh tra; Phòng Kế hoạch – Tài chính; Phòng Người có công; Phòng Việc làm – An toàn lao động; Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm xã hội; Phòng Dạy nghề; Phòng (Chi cục) Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng Bảo trợ xã hội; Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới.
Các tổ chức tham mưu, giúp việc Giám đốc Sở được thành lập phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp có số lượng phòng ít hơn số lượng phòng có tên gọi nêu trên (dưới 10 phòng), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh tên gọi và chức năng của phòng, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong cơ cấu tổ chức có Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thì Chi cục có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và cơ cấu tổ chức của Chi cục có không quá 03 phòng.
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có Trưởng phòng, không quá 03 Phó Trưởng phòng và các công chức thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Thông tư cũng hướng dẫn đối với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đang có số lượng Phó Giám đốc Sở nhiều hơn 03 người thì tiếp tục duy trì số lượng hiện có để đảm bảo ổn định.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2015 và thay thế Thông tư liên tịch số 10/2008/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 10 tháng 7 năm 2008 của liên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp xã về lao động, người có công và xã hội.
>>> Các bạn có thể xem thêm một số quy định về lao động tại: Luật lao động
Trên đây là bài viết về Sở và Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Lawkey gửi tới bạn đọc, nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ tới Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là gì? Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định [...]
Phải nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu?
Người lao động không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. [...]