Hình thành tư cách thành viên công ty TNHH
Việc trở thành thành viên công ty TNHH đang trở thành một cơ hội lớn để các nhà đầu tư tìm được một nguồn thu lợi nhuận cho mình. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc hình thành tư cách thành viên công ty TNHH?
Căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2014, Lawkey xin đưa ra tư vấn về vấn đề này như sau
Thành viên công ty là thành viên sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, là người được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định do pháp luật và Điều lệ công ty quy định. Việc hình thành tư cách thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn được dựa trên các căn cứ sau đây:
Góp vốn vào công ty
– Việc thực hiện góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn là cách thức cơ bản nhất để trở thành thành viên công ty.
+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, việc cá nhân, tổ chức thực hiện việc góp vốn khi công ty thành lập và góp vốn trong quá trình hoạt động của công ty đều được trở thành thành viên công ty. Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.
+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, việc cá nhân tổ chức thực hiện việc góp vốn khi công ty thành lập sẽ trở thành chủ sở hữu của công ty. Việc góp thêm vốn của chủ sở hữu trong quá trình công ty hoạt động sẽ chỉ làm tăng vốn điều lệ chứ không thay đổi chủ sở hữu công ty.
– Thông tin của thành viên sẽ được ghi vào sổ đăng ký thành viên sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được lưu giữ lại trụ sở chính của công ty.
>> Xem thêm: Thay đổi loại tài sản góp vốn khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Chuyển nhượng phần vốn góp
Cơ chế về chuyển nhượng phần vốn góp được coi là cơ chế phổ biến thứ hai để làm cơ sở hình thành tư cách thành viên
– Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác (trừ các quy định hạn chế theo luật) theo quy định sau đây:
+ Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
+ Chỉ được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chào bán.
=> Các cá nhân, tổ chức sau khi nhận phần chuyển nhượng vốn góp sẽ có tư cách thành viên sau khi thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên, đồng thời chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý của người chuyển nhượng phần vốn góp trước đó.
Hưởng thừa kế
Việc hưởng thừa kế được coi là một căn cứ để hình thành tư cách thành viên cho người thừa kế khi người chết là thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn để đảm bảo quyền và lợi ích cho họ trong các trường hợp sau:
– Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Trường hợp thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên của công ty.
– Đối với công ty TNHH 1 thành viên: Trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ sở hữu hoặc thành viên của công ty. Công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc việc giải quyết thừa kế.
>> Xem thêm: Thay đổi thành viên góp vốn do thừa kế trong công ty TNHH
Chủ sở hữu công ty là tổ chức bị giải thể hoặc phá sản
Trường hợp trong công ty TNHH 1 thành viên mà chủ sở hữu công ty là tổ chức bị giải thể hoặc phá sản thì người nhận chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu sẽ trở thành chủ sở hữu hoặc thành viên công ty. Công ty phải tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng.
> Xem thêm: So sánh phá sản với giải thể doanh nghiệp
Tặng cho phần vốn góp
Trường hợp thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu người được tặng cho là vợ, chồng, cha, mẹ, con, người có quan hệ họ hàng đến hàng thừa kế thứ ba thì đương nhiên là thành viên của công ty. Trường hợp người được tặng cho là người khác thì chỉ trở thành thành viên của công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.
Sử dụng phần vốn góp để trả nợ
Trường hợp thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người thanh toán sẽ trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận.
Trên đây là tư vấn của Lawkey về việc hình thành tư cách thành viên công ty TNHH xin được gửi tới quý bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Lawkey để được tư vấn một cách chính xác nhất !
Mối quan hệ giữa trong tổ hợp công ty mẹ – công ty con
Mối quan hệ giữa trong tổ hợp công ty mẹ, công ty con như thế nào theo quy định pháp luật. Đặc điểm của mối quan hệ [...]
Thủ tục tách doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành
Tách doanh nghiệp là một trong các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hiện nay. Vậy [...]