Ủy thác mua bán hàng hóa theo quy định hiện hành
Ủy thác mua bán hàng hóa là gì? Đặc điểm của hoạt động này? Quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ này được pháp luật quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau của LawKey.
Khái niệm
Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.
Đặc điểm
Thứ nhất, quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa được xác lập giữa bên ủy thác và bên nhận ủy thác.
♦ Bên nhận ủy thác phải là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hóa được ủy thác và thực hiện mua bán hàng hóa theo những điều kiện đã thỏa thuận với bên ủy thác. (Điều 156 Luật thương mại 2005)
♦ Bên ủy thác là bên giao cho bên nhận ủy thác thực hiện việc mua bán hàng hóa theo yêu cầu của mình và không nhất thiết phải có tư cách thương nhân.
♦ Quan hệ ủy thác có thể bao gồm:
– Ủy thác mua;
– Ủy thác bán hàng hóa.
Thứ hai, nội dung của hoạt động ủy này, bên nhận ủy thác chỉ được bên ủy thác ủy quyền mua hoặc bán hàng hóa cụ thể nào đó cho bên thứ ba.
Thứ ba, quan hệ ủy thác mua bán hàng hóa phát sinh khi các bên xác lập hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa.
♦ Hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. (Điều 159 Luật thương mại 2005)
♦ Hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa là một loại hợp đồng dịch vụ, do đó đối tượng của hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa là công việc mua bán hàng hóa do bên nhận ủy thác tiến hành theo sự ủy quyền của bên ủy thác.
Quyền, nghĩa vụ của bên nhận ủy thác đối với bên ủy thác
♦ Quyền của bên nhận ủy thác
Theo quy định tại Điều 164 Luật thương mại 2005 thì nếu như hai bên trong hợp đồng ủy thác không có thỏa thuận khác thì bên nhận uỷ thác có các quyền sau đây:
– Yêu cầu bên uỷ thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
– Nhận thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác;
– Không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã bàn giao đúng thoả thuận cho bên uỷ thác.
♦ Nghĩa vụ của bên nhận ủy thác
Theo quy định tại Điều 165 Luật Thương mại 2005, Nếu các bên không có thoả thuận khác, bên nhận uỷ thác có các nghĩa vụ sau:
– Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận. Đây là nghĩa vụ quan trọng nhất của bên nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác cần tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận với bên ủy thác về việc giao kết cũng như thực hiện hợp đồng với bên thứ ba.
– Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác. Ví dụ: thực hiện thông báo về những biến động của thị trường, các yêu cầu cụ thể của bên thứ ba, …
– Thực hiện các chỉ dẫn của bên uỷ thác phù hợp với thoả thuận. Tất nhiên, những chỉ dẫn trái với các quy định pháp luật hoặc không phù hợp với hợp đồng ủy thác thì bên nhận ủy thác sẽ không phải thực hiện.
– Bảo quản tài sản, tài liệu được giao để thực hiện hợp đồng uỷ thác;
– Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
– Thanh toán tiền hàng (nếu được ủy thác bán hàng); giao hàng mua được (nếu được ủy thác mua hàng) cho bên ủy thác theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng ủy thác.
– Liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của bên ủy thác, nếu nguyên nhân của hành vi vi phạm pháp luật đó có một phần do lỗi của mình gây ra.
Quyền, nghĩa vụ của bên ủy thác đối với bên nhận ủy thác
♦ Quyền của bên ủy thác
Theo quy định tại Điều 162 LTM, nếu không có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các quyền sau:
– Yêu cầu bên nhận uỷ thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp đồng uỷ thác;
– Không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật, trừ trường hợp bên nhận ủy thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên ủy thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái luật.
♦ Nghĩa vụ của bên ủy thác
Tại Điều 163 LTM quy định nếu không có thoả thuận khác, bên uỷ thác có các nghĩa vụ sau đây:
– Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác. Kịp thời đưa ra các chỉ dẫn cụ thể phù hợp với hợp đồng ủy thác để bên nhận ủy thác thực hiện công việc ủy thác.
– Trả thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác;
– Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận trong hợp đồng ủy thác;
– Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
>>>Xem thêm: Xúc tiến thương mại
Khái quát chung về hoạt động Đại diện cho thương nhân
Trên đây là tư vấn của LawKey về hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa. Nếu có vấn đề còn thắc mắc, vui lòng liên hệ với LawKey để được tư vấn, giải đáp.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất
Cách tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào. Hướng dẫn cụ thể cách tính thuế tncn áp dụng với nhiều đối tượng theo [...]
Xử lý giải thưởng không có người trúng thưởng trong chương trình khuyến mại mang tính may rủi
Theo quy định của pháp luật, trường hợp chương trình khuyến mại mang tính chất may rủi như bốc thăm trúng thưởng, cào [...]