Những trường hợp cần lưu ý về thời hiệu
Thời hiệu là một loại thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể. Nhưng khi áp dụng chúng, có những trường hợp cần lưu ý về thời hiệu theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015, Lawkey xin đưa ra tư vấn về vấn đề này như sau
Thời hiệu khác với thời hạn ở chỗ nó là thời hạn do luật quy định một cách cụ thể rõ ràng chứ không có những trường hợp được tự thỏa thuận như thời hạn và khi kết thúc thời hạn đó thì hậu quả pháp lý sẽ phát sinh đối với chủ thể theo những điều kiện nhất định. Chính vì hậu quả pháp lý quan trọng đó sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể nên các trường hợp của thời hiệu phải tuân thủ những quy tắc nhất định
Đối với thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự
Thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể sẽ được hưởng quyền dân sự hoặc người có nghĩa vụ sẽ được miễn trừ thực hiện nghĩa vụ đó.
Tính liên tục của hai loại thời hiệu
Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt.
Các sự kiện làm gián đoạn tính liên tục
Các sự kiện làm gián đoạn tính liên tục của hai loại thời hiệu trên bao gồm:
+ Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;
+ Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
>> Xem thêm: Giao dịch dân sự có bị vô hiệu do vi phạm hình thức?
Đối với thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hiệu mà chủ thể được yêu cầu Tòa án khởi kiện/ giải quyết vụ án/vụ việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể nhất định theo quy định tại khoản 3,4 điều 150 và nếu như thời hạn kết thúc thì mất quyền khởi kiện/yêu cầu
Thời điểm bắt đầu thời hiệu
– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
– Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thời gian không tính vào thời hiệu
Do sự ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể của hai loại thời hiệu trên, pháp luật quy định các khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây sẽ không tính vào hai loại thời hiệu trên để bảo vệ quyền lợi cho người khởi kiện/ yêu cầu bao gồm:
– Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
+ Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
+ Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
– Chưa có người đại diện
Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
– Chưa có người đại diện khác thay thế
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân
+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Đối với thời hiệu khởi kiện
Khi áp dụng thời hiệu khởi kiện phải lưu ý các điểm sau:
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
– Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
– Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai.
– Trường hợp khác do luật quy định.
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Các trường hợp luật quy định bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện bao gồm
– Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
– Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
– Các bên đã tự hòa giải với nhau.
=> Lưu ý: Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện nêu trên.
>> Xem thêm: Phân biệt thời hạn và thời hiệu
Trên đây là tư vấn của Lawkey về những trường hợp cần lưu ý về thời hiệu mà Lawkey xin gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Lawkey để được tư vấn một cách chính xác nhất !
07 hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp
Khi có quyết định giải thể doanh nghiệp thì không được thực hiện các hoạt động nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài [...]
So sánh doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể
So sánh doanh nghiệp tư nhân và Hộ kinh doanh ? Sự giống nhau và khác nhau của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh. Doanh nghiệp [...]