Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải đóng lệ phí môn bài không?
Trong năm 2024, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh thì có phải đóng lệ phí môn bài không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải đóng lệ phí môn bài không?
Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 65/2020/TT-BTC) quy định:
“…Người nộp lệ phí môn bài đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điều kiện:
Văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.”
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch thì người nộp lệ phí môn bài sẽ không phải nộp lệ phí môn bài nếu đảm bảo điều kiện là có văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm.
Mức thu lệ phí môn bài với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC như sau:
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;
Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hướng dẫn tại khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Tổ chức nêu tại điểm a, b khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
Trường hợp vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bằng ngoại tệ thì quy đổi ra tiền đồng Việt Nam để làm căn cứ xác định mức lệ phí môn bài theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nơi người nộp lệ phí môn bài mở tài khoản tại thời điểm người nộp lệ phí môn bài nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Thời hạn nộp lệ phí môn bài
Thời hạn nộp lệ phí môn bài theo khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:
♣ Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.
♣ Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp) thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
- Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/7 năm kết thúc thời gian miễn.
- Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.
♣ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:
- Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30/7 năm ra hoạt động.
- Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30/01 năm liền kề năm ra hoạt động.
Những ai phải nộp lệ phí môn bài?
Theo Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP), bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã 2012.
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (nếu có).
- Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
>>Xem thêm: Không thông báo thay đổi ngành nghề kinh doanh bị xử phạt thế nào?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về: Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải đóng lệ phí môn bài không?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ công ty cổ phần chưa đại chúng
Thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng. Điều kiện và Hồ sơ chào bán [...]
Hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là gì? Để thành lập doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào? Các bước thành lập doanh [...]