Thủ tục đăng ký thế chấp xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng nhà đất
Thủ tục xác nhận thay đổi cho hộ gia đình, cá nhân đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký, xóa đăng ký thế chấp, sửa chữa sai sót nội dung đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
a.Trình tự thực hiện đăng ký thế chấp, xóa đăng ký thế chấp
Bước 1: Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội .
Bước 2: Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội thực hiện các việc sau đây:
1. Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký, người thực hiện đăng ký thực hiện các việc sau đây:
– Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ từ chối nhận hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện theo đúng quy định;
– Ghi thời điểm nhận hồ sơ (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào Phiếu tiếp nhận hồ sơ; ký và ghi rõ họ, tên vào phần cán bộ tiếp nhận hồ sơ;
– Vào Sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
– Cấp cho người yêu cầu đăng ký Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
2. Sau khi nhận hồ sơ yêu cầu đăng ký, Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội kiểm tra hồ sơ yêu cầu đăng ký.
3. Trường hợp có căn cứ từ chối đăng ký theo quy định thì phải có văn bản từ chối để trả lại cùng hồ sơ đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện đúng quy định.
4. Trường hợp không có căn cứ từ chối đăng ký thì Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chứng nhận đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo hoặc xoá đăng ký vào Đơn yêu cầu đăng ký và thực hiện các công việc sau đây:
– Đối với trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội ghi nội dung đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; vào Sổ Địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai;
– Đối với trường hợp đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký, Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chỉnh lý nội dung đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; vào Sổ Địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai;
– Đối với trường hợp đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội ghi vào Sổ Địa chính và Sổ theo dõi biến động đất đai; thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản thế chấp cho các bên cùng nhận thế chấp đã đăng ký trong trường hợp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ;
– Đối với xóa đăng ký thế chấp, Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội oá đăng ký trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xoá đăng ký trong Sổ Địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Bộ phận tiếp nhận trả kết quả theo phiếu hẹn.
b. Cách thức thực hiện:
Người giao dịch nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC – Chi nhánh/Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Lấy phiếu nhận và hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Khi đến nhận kết quả, người giao dịch phải có phiếu nhận và hẹn trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
c.Thành phần, số lượng hồ sơ đăng ký, sửa đổi, xóa thế chấp:
* Hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất:
– Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp (Mẫu số 01/ĐKTC – bản chính);
– Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất (01 bản chính);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (01 bản chính);
– Giấy phép xây dựng đối với các tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật phải xin phép xây dựng, trừ trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản đó có công chứng, chứng thực hoặc có xác nhận hoặc tài sản đó không thuộc diện phải xin cấp phép xây dựng, không phải lập dự án đầu tư (01 bản sao có chứng thực);
– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền (01 bản sao chứng thực).
* Hồ sơ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất:
+ Trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó đã được chứng nhận trên Giấy chứng nhận thì nnộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thế chấp gồm:
– Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp (01 bản chính theo mẫu số 01/ĐKTC);
– Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất (01 bản chính);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (01 bản chính);
– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền (01 bản sao chứng thực).
+ Trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó đã hình thành, nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận thì nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thế chấp gồm:
– Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp (01 bản chính theo mẫu số 01/ĐKTC);
– Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất 01 bản chính);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (01 bản chính);
– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền (01 bản sao chứng thực);
– Hồ sơ đề nghị chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013.
* Hồ sơ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất
+ Trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất được tạo lập trên đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất không hình thành pháp nhân mới mà chủ sở hữu tài sản đó đã được cấp Giấy chứng nhận thì nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thế chấp gồm:
– Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp (01 bản chính theo mẫu số 01/ĐKTC);
– Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất (01 bản chính);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (01 bản chính);
– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền (01 bản sao chứng thực).
+ Trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất được tạo lập trên đất thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất không hình thành pháp nhân mới mà tài sản đó đã hình thành, nhưng chủ sở hữu tài sản chưa được cấp Giấy chứng nhận thì nộp một (01) bộ hồ sơ đăng ký thế chấp gồm:
– Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp (01 bản chính theo mẫu số 01/ĐKTC);
– Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất hoặc hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất (01 bản chính);
– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký thế chấp là người được ủy quyền (01 bản sao chứng thực);
– Hồ sơ đề nghị chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
* Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký
– Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (Mẫu số 02/ĐKTĐ);
– Hợp đồng về việc thay đổi nội dung thế chấp (01 bản chính) hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi tên, thay đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi một trong các bên ký kết hợp đồng thế chấp (01 bản sao chứng thực);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (01 bản chính);
– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực).
* Hồ sơ xoá đăng ký thế chấp
– Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp (Mẫu số 03/XĐK);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (01 bản chính);
– Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp của bên nhận thế chấp trong trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên thế chấp (01 bản chính);
– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực), trừ trường hợp người yêu cầu đăng ký xuất trình bản chính Văn bản ủy quyền thì chỉ cần nộp 01 bản sao để đối chiếu.
* Hồ sơ yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung đăng ký thế chấp do lỗi của người thực hiện đăng ký
– Đơn yêu cầu sửa chữa sai sót (Mẫu số 05/SCSS – Bản chính);
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu nội dung đăng ký thế chấp đã ghi trên Giấy chứng nhận đó có sai sót (01 bản chính);
– Đơn yêu cầu đăng ký có chứng nhận của cơ quan đăng ký nếu phần chứng nhận nội dung đăng ký có sai sót (01 bản chính);
–Văn bản uỷ quyền trong trường hợp người yêu cầu sửa chữa sai sót là người được ủy quyền (01 bản sao có chứng thực), trừ trường hợp người yêu cầu đăng ký xuất trình bản chính Văn bản ủy quyền thì chỉ cần nộp 01 bản sao để đối chiếu.
d.Thời hạn giải quyết:
Tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
e.Đối tượng thực hiện TTHC:
Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài.
f.Cơ quan thực hiện TTHC:
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.
– Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện (nếu có):
– Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội.
– Cơ quan phối hợp:
g.Lệ phí:
– Lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm: 60.000 đồng/hồ sơ
– Lệ phí đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký: 40.000 đồng/hồ sơ;
– Lệ phí xóa đăng ký giao dịch bảo đảm: 10.000 đồng/hồ sơ
Trên đây là nội dung Thủ tục đăng ký thế chấp xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng nhà đất LawKey gửi đến bạn đọc.
Có bắt buộc đổi từ sổ đỏ, sổ hồng cũ sang sổ hồng mới không?
Có bắt buộc đổi từ sổ đỏ, sổ hồng cũ sang sổ đỏ mới không? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây 1. Sổ [...]
Có được dùng vàng thanh toán mua bán nhà đất?
Vàng là một loại kim loại quý hiếm có giá trị quy đổi thành tiền. Vậy có được dùng vàng thanh toán mua bán nhà đất [...]