Tiền lương và Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Thế nào là tiền lương, tiền lương gồm những khoản nào? Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội gồm những khoản tiền nào?
Tiền lương theo quy định của Bộ luật lao động
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Xem thêm: Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động
Mức lương theo công việc hoặc chức danh:
Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương được quy định tại thang lương, bảng lương, định mức lao động do Người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của Bộ luật lao động 2019 và được Người lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận tại Hợp đồng lao động.
Lưu ý, Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Phụ cấp Lương:
Chế độ phụ cấp lương đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Căn cứ theo hướng dẫn tại Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, các khoản phụ cấp lương theo thỏa thuận giữa người lao động và Người sử dụng lao động gồm:
- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
- Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Các khoản bổ sung khác:
Cũng giống như phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Chi tiết các khoản bổ sung khác quy định Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH gồm:
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
- Các chế độ và phúc lợi khác: thưởng theo Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo hướng dẫn mới nhất tại Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH, từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:
Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội:
Là mức lương theo công việc hoặc theo chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của Bộ luật lao động.
Phụ cấp lương phải tính đóng bảo hiểm xã hội:
Phụ cấp lương (nếu có) phải tính để đóng bảo hiểm xã hội là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
Các khoản bổ sung khác phải dóng bảo hiểm xã hội
Các khoản bổ sung khác phải tính đóng bảo hiểm xã hội là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Lưu ý các khoản bổ sung không bị tính đóng bảo hiểm xã hội
Trừ các khoản bổ sung nêu trên bị tính để đóng bảo hiểm xã hội, các khoản phúc lợi, bổ sung sau không bị tính đóng bảo hiểm:
- Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
- Các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
Trên đây là nội dung quy định Tiền lương và Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội LawKey gửi đến quý khách hàng. Hãy liên hệ với LawKey để được tư vấn pháp luật và tư vấn các quy định về thuế, kế toán.

Tai nạn lao động chết người: người thân được hưởng chế độ nào?
Người lao động bị chết do tai nạn lao động thì thân nhân của họ được hưởng những chế độ nào? Hãy cùng Lawkey tìm [...]

Quy định về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp của NLĐ nước ngoài
Hiện nay, rất nhiều công ty mẹ ở nước ngoài cử chuyên gia, nhân sự sang công ty con ở Việt Nam để làm việc trong một [...]