Tổng hợp một số lỗi giao thông đường bộ đối với người điều khiển ô tô
Có rất nhiều lỗi vi phạm giao thông đường bộ dễ gặp phải nếu lái xe không chú ý. Trong bài viết này, LawKey sẽ cung cấp một số lỗi giao thông thường gặp đối với người điều khiển ô tô và hình thức xử lý đối với từng lỗi đó.
Không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông sẽ bị phạt từ 1.200.000 – 2.000.000 đồng. Lỗi này bao gồm lỗi phổ biến nhất là lỗi vượt đèn đỏ. Ngoài ra, với hành vi vượt đèn vàng, lái xe cũng có thể bị phạt với mức phạt tương tự. Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển ô tô còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng và từ 02 – 04 tháng (nếu gây tai nạn).
Không thắt dây an toàn khi xe chạy
Theo quy định của pháp luật, người điều khiển xe ô tô mắc các lỗi sau đây sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng:
– Không thắt dây an toàn (tại vị trí có dây an toàn) khi xe đang chạy
– Chờ người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Như vậy, khi xe đang chạy, người điều khiển xe ô tô phải đảm bảo bản thân và những người ngồi trên xe phải thắt dây an toàn, trừ những vị trí không có dây an toàn.
Quay đầu xe không đúng nơi quy định
Người điều khiển xe ô tô chỉ được phép quay đầu xe ở những nơi quy định để đảm bảo an toàn và tránh gây ùn tắc giao thông. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe không chấp hành đúng các quy định về quay đầu xe sẽ bị phạt như sau:
Mức phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (nếu gây tai nạn) đối với các hành vi:
– Quay đầu xe trái quy định trong khu dân cư
– Quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”
Mức phạt từ 600.000 – 800.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (nếu gây tai nạn) đối với các hành vi:
– Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt
Mức phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng đối với các hành vi:
– Quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông
– Quay đầu xe trong hầm đường bộ. Trường hợp này ngoài phạt tiền, lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (nếu gây tai nạn).
– Quay đầu xe trên đường cao tốc. Trường hợp này ngoài bị phạt tiền, lái xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng và từ 02 – 04 tháng nếu gây tai nạn.
Dừng, đỗ xe không có tín hiệu báo
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nếu người điều khiển xe ô tô dừng xe, đỗ xe mà không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Ngoài ra, nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì người điều khiển xe ô tô còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
Sử dụng điện thoại khi lái xe
Người điều khiển xe ô tô sử dụng điện thoại di động khi xe đang chạy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu gây tai nạn giao thông do hành vi trên, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
Mở cửa ô tô không đảm bảo an toàn
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn sẽ bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (nếu gây tai nạn từ hành vi trên).
Không mang đủ giấy tờ xe
Các mức phạt liên quan đến việc không có hoặc không mang các loại giấy tờ xe cần thiết bao gồm:
Phạt tiền từ 200.000 – 400.000 đồng đối với hành vi không mang theo bất kì 1 trong 3 loại giấy phép sau: Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe và Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng đối với các hành vi:
– Không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe còn hiệu lực
– Có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 06 tháng
Phạt tiền từ 1.200.000 – 3.000.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô.
Phạt tiền từ 4.000.000 – 8.000.000 đồng đối với các hành vi:
– Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 (sáu) tháng trở lên
– Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa. Trường hợp này ngoài phạt tiền người điều khiển xe ô tô còn bị tịch thu Giấy phép lái xe trái quy định trên.
– Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.
Bật đèn pha không đúng quy định
Đèn pha hay đèn chiếu xa là loại đèn có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn và tầm nhìn cao hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa. Chế độ đèn này sử dụng khi đi đường trường, cao tốc, nhưng nhiều người do không hiểu biết nên đã sử dụng sai trong nội thành gây lóa mắt, mất tầm nhìn cho các xe đi ngược chiều, dẫn đến nguy hiểm. Để hạn chế tình trạng trên, pháp luật có quy định nếu người điều khiển xe ô tô thực hiện các hành vi sau thì bị phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (nếu gây tai nạn):
– Sử dụng đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định
– Sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều
Gây tai nạn giao thông nhưng không dừng lại
Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, lái xe gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 6.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
Vi phạm quy định về khoảng cách an toàn
Các mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về khoảng cách an toàn được quy định như sau:
Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng (nếu gây tai nạn) đối với hành vi không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”.
Phạt tiền từ 800.000 – 1.200.000 đồng đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng và từ 02 – 04 tháng (nếu gây tai nạn) đối với hành vi không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.
Phạt tiền từ 7.000.000 – 8.000.000 đồng đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng đối với hành vi không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông.
Theo Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, khoảng cách an toàn giữa 2 xe được quy định như sau:
Trong điều kiện mặt đường khô ráo:
Tốc độ lưu hành (km/h) | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
V < 60 | Không có quy định, lái xe chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp |
V = 60 | 35 |
60 < V ≤ 80 | 55 |
80 < V ≤ 100 | 70 |
100 < V ≤ 120 | 100 |
Trong điều kiện trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định như bảng trên.
Ngoài các lỗi trên, còn có một số lỗi giao thông thường gặp khác người điều khiển xe ô tô còn mắc phải như: Lái xe sau khi uống rượu bia, điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định và dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định. Những lỗi trên đã được đề cập chi tiết trong các bài viết khác của LawKey.
Trên đây là nội dung LawKey chia sẻ về Một số lỗi giao thông thường gặp đối với người điều khiển xe ô tô hiện hành. Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline của LawKey để được tư vấn. Xin cảm ơn sự quan tâm của quý bạn đọc!
Cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam
Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam là tài liệu về lý lịch tư pháp của cá nhân do cơ quan [...]
Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy ? Hồ sơ xin giấy phép PCCC
Thủ tục xin giấy phép phòng cháy chữa cháy ? Hồ sơ xin giấy phép PCCC ? Dự án, công trình nào bắt buộc phải xin giấy phép [...]