Xem World Cup trên web vi phạm bản quyền có bị phạt không?
Hành vi vi phạm bản quyền World Cup bị xử phạt như thế nào? Việc chỉ xem World Cup trên các trang web vi phạm bản quyền đó có bị xử phạt hay không?
Vi phạm bản quyền World Cup bị xử lý như thế nào?
Việc vi phạm bản quyền World Cup bị xử lý cụ thể như sau:
Về trách nhiệm hành chính
Căn cứ Điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm
“Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.”
Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi này.
Mức xử phạt này là đối với hành vi của cá nhân, trường hợp người vi phạm là tổ chức khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân, căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Về trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:
“Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.”
Theo đó, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà trong trường hợp này là đối với tội danh Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (một số khoản được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 52 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Các biện pháp dân sự
Ngoài ra, các cá nhân tổ chức vi phạm còn phải chịu thêm các biện pháp dân sự theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm:
Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Người xem World Cup hay các trang web thể thao lậu khác có bị xử lý hay không?
Hiện nay, pháp luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chỉ quy định các biện pháp xử phạt đối với hành vi của người chủ trang web, người thực hiện hành vi phát sóng lậu mà không có quy định nào xử phạt người truy cập vào các trang web này. Trên thực tế, rất khó kiểm soát và số lượng người truy cập vào web lậu.
Vì thế, việc xem các trận đấu tại các web lậu có thể không bị xử phạt, nhưng pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và quốc tế yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức khác, căn cứ tại Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
>>Xem thêm: Xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với hành vi in sách lậu
Trên đây là bài viết về: Xem World Cup trên web vi phạm bản quyền có bị phạt không?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Hàng hóa dịch vụ có khả năng phân biệt
Pháp luật quy định khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ [...]
Đăng ký thương hiệu đăng ký nhãn hiệu logo độc quyền như thế nào?
Đăng ký thương hiệu đăng ký nhãn hiệu độc quyền ở đâu nhanh nhất? Dịch vụ đăng ký thương hiệu uy tín giá rẻ nhất [...]