Điều kiện trở thành thành viên hợp danh
Công ty hợp danh là một trong những loại công ty được pháp luật cho phép các cá nhân, tổ chức thành lập. Vậy pháp luật quy định như thế nào về điều kiện được trở thành thành viên hợp danh?
Căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2014, Lawkey xin đưa ra tư vấn về vấn đề này như sau
Đặc điểm của công ty hợp danh
Công ty hợp danh là doanh nghiệp có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh, có tư cách pháp nhân và không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào.
– Thành viên công ty
Thành viên hợp danh trong công ty thường gần gũi có mối quan hệ mật thiết với nhau về mặt nhân thân và có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp nhất định. Họ phải chịu trách nhiệm với công ty bằng toàn bộ tài sản của mình, tức là các thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra công ty còn có thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
– Chế độ chịu trách nhiệm
Dựa vào việc phân loại thành viên công ty hợp danh, có hai chế độ chịu trách nhiệm trong công ty: chế độ chịu trách nhiệm vô hạn đối với thành viên hợp danh và chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với thành viên góp vốn.
– Cách thức huy động vốn
Công ty hợp danh không được phát hành chứng khoán mà chỉ có kết nạp thành viên mới, tăng phần vốn góp của mỗi thành viên, tăng giá trị tài sản của công ty hay vay của các cá nhân, tổ chức để tăng vốn điều lệ.
– Tư cách pháp lý
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tức là công ty sẽ có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản đó, nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập.
>> Xem thêm: Chuyển nhượng vốn góp của các thành viên hợp danh
Điều kiện để trở thành thành viên hợp danh
Như vậy thành viên hợp danh là những người trụ cột chính của công ty hợp danh dựa vào chế độ chịu trách nhiệm cũng như đặc điểm nhân thân của họ và mối quan hệ với các thành viên khác. Vậy điều kiện để trở thành thành viên hợp danh trong công ty hợp danh là gì?
Không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp
Nếu như muốn trở thành thành viên hợp danh, các cá nhân tổ chức không được thuộc các trường hợp sau:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
>> Xem thêm: Thay đổi thành viên hợp danh
Góp vốn theo đúng thỏa thuận và được ghi vào Điều lệ công ty
– Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết. Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
+ Trong trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
+ Khi đã góp vốn đủ so với cam kết, thành viên sẽ được nhận Giấy chứng nhận phần vốn góp.
– Thành viên phải tiến hành chuyển quyền sở hữu phần vốn góp cho công ty:
+ Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ
+ Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản.
>> Xem thêm: Thành viên hợp danh có những hạn chế quyền nào?
Đáp ứng điều kiện về chứng chỉ ngành nghề
Các thành viên hợp danh phải đáp ứng điều kiện về chứng chỉ ngành nghề trong trường hợp công ty kinh doanh những ngành nghề yêu cầu điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do đặc điểm của thành viên hợp danh là có trình độ, chuyên môn, uy tín nhất định nên việc đảm bảo về chứng chỉ hành nghề sẽ giúp mối liên hệ về nhân thân trong công ty hợp danh trở nên vững chắc hơn. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được pháp luật quy định rất đa dạng như: tư vấn pháp luật, khám chữa bệnh,…
Trên đây là tư vấn của Lawkey về điều kiện để trở thành thành viên hợp danh xin được gửi tới quý bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn một cách chính xác nhất !
Cá nhân có được góp vốn bằng quyền sử dụng đất không?
Cá nhân có được góp vốn bằng quyền sử dụng đất không? Hồ sơ góp vốn bằng quyền sử dụng đất gồm những gì? Hãy [...]
Thủ tục sáp nhập doanh nghiệp, công ty mới nhất theo quy định
Sáp nhập doanh nghiệp là gì. Điều kiện để sáp nhập công ty ? Hồ sơ thủ tục sáp nhập doanh nghiệp mới nhất theo quy định [...]