Thời gian được gia hạn nộp thuế là bao lâu?
Các trường hợp nào được gia hạn nộp thuế? Thời gian gia hạn nộp thuế và các quy định pháp luật liên quan về thuế? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Trường hợp nào thì được gia hạn nộp thuế?
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về gia hạn nộp thuế như sau:
(i) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng như:
- Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
- Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.
(ii) Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Thời gian gia hạn nộp thuế là bao lâu?
Tại khoản 3 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thời gian gia hạn nộp thuế như sau:
Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại điểm (i) tại mục I;
Không quá 01 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại điểm (ii) tại mục I.
Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế.
Hồ sơ gia hạn nộp thuế
Tại Điều 64 Luật Quản lý thuế 2019 quy định người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật phải lập và gửi hồ sơ gia hạn nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp.
- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế, thời hạn nộp;
- Tài liệu chứng minh lý do gia hạn nộp thuế.
(2) Chi tiết hồ sơ gia hạn nộp thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định như sau:Hồ sơ gia hạn nộp thuế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Quản lý thuế 2019, bao gồm:
♣ Công văn đề nghị gia hạn nộp tiền thuế theo Mẫu số 02/TXNK Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BTC: 01 bản chính;
♣ Tài liệu gửi kèm công văn đề nghị gia hạn nộp tiền thuế đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019:
- Văn bản, biên bản xác nhận nguyên nhân thiệt hại của cơ quan chức năng tại địa bàn nơi phát sinh thiệt hại: Văn bản xác nhận của một trong các cơ quan, tổ chức sau: Cơ quan Công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế, Ban quản lý cửa khẩu, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ hàng hải nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng về việc thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ gây thiệt hại vật chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh: 01 bản chính; Biên bản xác nhận vụ cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy của địa phương nơi xảy ra vụ cháy: 01 bản chính.
- Trường hợp gặp khó khăn bất khả kháng do chiến tranh, bạo loạn, đình công phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, người nộp thuế nộp các chứng từ, tài liệu chứng minh nguyên nhân gặp khó khăn bất khả kháng dẫn đến không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đúng hạn: 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị gia hạn nộp thuế;
- Hợp đồng bảo hiểm, thông báo trả tiền bồi thường của tổ chức nhận bảo hiểm (nếu có), trường hợp hợp đồng bảo hiểm không bao gồm nội dung bồi thường về thuế phải có xác nhận của tổ chức bảo hiểm; hợp đồng hoặc biên bản thỏa thuận đền bù của hãng vận tải đối với trường hợp tổn thất do hãng vận tải gây ra (nếu có); 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị gia hạn nộp thuế.
♣ Tài liệu gửi kèm công văn đề nghị gia hạn nộp tiền thuế đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 62 Luật Quản lý thuế 2019:
Quyết định thu hồi địa điểm sản xuất, kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với địa điểm sản xuất cũ của doanh nghiệp (trừ trường hợp di dời địa điểm sản xuất kinh doanh theo mục đích yêu cầu của doanh nghiệp): 01 bản chụp có đóng dấu xác nhận của cơ quan đề nghị gia hạn nộp thuế;
Văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về việc doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh do di chuyển địa điểm: 01 bản chính;
Tài liệu chứng minh mức độ thiệt hại trực tiếp do phải di chuyển địa điểm kinh doanh. Giá trị thiệt hại được xác định trên giá trị còn lại của hàng hóa bị thiệt hại. Giá trị còn lại của hàng hóa bị thiệt hại được xác định căn cứ vào hồ sơ, chứng từ và các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp để xác định: Nhà xưởng, kho, máy móc, trang thiết bị bị phá dỡ không thu hồi được vốn (nguyên giá sau khi trừ chi phí đã khấu hao), chi phí tháo dỡ trang thiết bị, nhà xưởng ở cơ sở cũ, chi phí vận chuyển lắp đặt ở cơ sở mới (sau khi trừ đi chi phí thu hồi), chi phí trả lương cho người lao động do ngừng làm việc (nếu có). Trường hợp phức tạp liên quan đến chuyên ngành kinh tế kỹ thuật phải có văn bản xác nhận của cơ quan chuyên môn: 01 bản chính.
(Theo Điều 11 Thông tư 06/2021/TT-BTC)
Các mức ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Mức ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào? Quy định chi tiết các mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. [...]
Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào? Các đối tượng và cách tính thời gian ưu đãi [...]