Mức phạt hành vi không có hợp đồng lữ hành theo quy định?
Hợp đồng lữ hành là gì? Hành vi không có hợp đồng lữ hành với khách du lịch thì phạt bao nhiêu tiền? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hợp đồng lữ hành là gì?
Hợp đồng lữ hành là sự thỏa thuận việc thực hiện chương trình du lịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch. Hợp đồng lữ hành phải được lập thành văn bản.
“Chương trình du lịch là văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi.” (Khoản 8 Điều 3 Luật Du lịch 2017)
Hợp đồng lữ hành phải có các nội dung sau đây:
- Mô tả rõ ràng số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch;
- Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán;
- Điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng;
- Điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng;
- Điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch.
(Điều 39 Luật Du lịch 2017)
Không có hợp đồng lữ hành theo quy định thì phạt bao nhiêu tiền?
Theo điểm a khoản 7 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP, hành vi “Không có hợp đồng lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền này chỉ áp dụng đối với tổ chức. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên bao gồm:
Doanh nghiệp hoạt động du lịch được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoạt động du lịch;
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động du lịch;
Văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan du lịch nước ngoài, tổ chức du lịch quốc tế và khu vực;
Tổ chức xã hội – nghề nghiệp về du lịch;
Ban quản lý điểm du lịch, khu du lịch, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động du lịch;
Nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan nhà nước có hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Ngoài hành vi, các hành vi vi phạm sau đây cũng sẽ chịu cùng mức phạt nên trên gồm:
- Không có hợp đồng đại lý lữ hành với đại lý lữ hành theo quy định;
- Không có chương trình du lịch theo quy định;
- Không thực hiện chế độ lưu giữ hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
(Khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP)
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có quyền và nghĩa vụ sau đây:
Xây dựng, quảng cáo, bán và tổ chức thực hiện các dịch vụ du lịch, chương trình du lịch cho khách du lịch theo phạm vi kinh doanh quy định trong giấy phép;
Bảo đảm duy trì các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Du lịch 2017; công khai tên doanh nghiệp, số giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên biển hiệu tại trụ sở, chi nhánh, văn phòng giao dịch, trong hợp đồng lữ hành, trên ấn phẩm quảng cáo và trong giao dịch điện tử;
Thông báo về việc thay đổi người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành, gửi hồ sơ về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành thay thế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày kể từ khi thay đổi;
Cung cấp thông tin về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch cho khách du lịch;
Mua bảo hiểm cho khách du lịch trong thời gian thực hiện chương trình du lịch, trừ trường hợp khách du lịch đã có bảo hiểm cho toàn bộ chương trình du lịch;
Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng lữ hành; chịu trách nhiệm về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch trong thời gian hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng;
Chấp hành, phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của khách du lịch trong thời gian tham gia chương trình du lịch;
Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán, lưu giữ hồ sơ theo quy định của pháp luật;
Áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn, rủi ro xảy ra với khách du lịch và có biện pháp khắc phục hậu quả;
Quản lý khách du lịch theo chương trình du lịch đã thỏa thuận với khách du lịch.
(Khoản 1 Điều 37 Luật Du lịch 2017)
>>Xem thêm: Có thể vừa là bị cáo vừa là bị hại trong một vụ án hình sự không?
Trên đây là nội dung bài viết về: Mức phạt hành vi không có hợp đồng lữ hành theo quy định? Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey hoặc sử dụng dịch vụ Luật sư bào chữa của chúng tôi.
Lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản cần lưu ý điều gì?
Lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản cần lưu ý điều gì? Điều kiện để đi làm trước khi hết [...]
Bảo hiểm thai sản của người lao động theo Luật bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm thai sản – Một trong những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động. [...]