Chia tài sản chung khi người chồng chết
Tài sản chung của vợ chồng là tài sản do vợ và chồng trong thời kì hôn nhân tạo dựng lên. Vậy nếu chồng không may chết hoặc bị Tòa án tuyên bố đã chết thì tài sản chung của hai vợ chồng được chia như thế nào? Sau đây là cách chia tài sản chung khi chồng chết theo luật hiện nay mà Lawkey gửi tới bạn đọc.
Thứ nhất, chia đôi tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng
Theo quy định tại Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
- Khi chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì vợ sẽ quản lý tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp chồng để lại di chúc và trong di chúc có chỉ định người quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận người khác thì người được cử sẽ quản lý phần di sản đó
- Khi người vợ hoặc người có quyền thừa kế yêu cầu chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác về việc chia tài sản từ trước khi chồng qua đời. Phần tài sản của người chồng đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
- Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình hoặc người vợ thì vợ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Xem thêm: Đưa tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng không?
Thứ hai, chia di sản thuộc sở hữu của chồng đã mất
Sau khi đã chia đôi tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, phần di sản của người chồng sẽ tiếp tục được chia theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
Địa điểm, thời điểm mở thừa kế:
Tại điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày mà Tòa án xác định người đó đã chết.
- Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.
Chia di sản thừa kế theo di chúc:
Nếu người chồng đã để lại di chúc bằng văn bản hoặc di chúc miệng trước khi mất thì phần di sản của chồng sẽ được chia cho những người có tên trong nội dung di chúc.
Tuy nhiên, dù di chúc của chồng không để lại phần tài sản nào cho người vợ thì vợ vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật (theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015). Đây là trường hợp Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc
Chia di sản theo quy định của pháp luật:
Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp người chồng mất mà không để lại di chúc, di chúc không hợp pháp thì phần di sản của chồng sẽ được chia đều cho những người thuộc cùng một hàng thừa kế, cụ thể:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Trong đó, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế.
Xem thêm: Có được chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Xem thêm: Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định BLDS
Trên đây là toàn bộ nội dung cách chia tài sản chung của vợ chồng sau khi chồng chết theo pháp luật hiện nay. Mọi thắc mắc, hãy gọi ngay cho Lawkey để được tư vấn trực tiếp!
Khái niệm giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật hiện nay
Khái niệm giao dịch dân sự được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm [...]
Thừa kế theo pháp luật là gì? Trường hợp nào được thừa kế theo pháp luật?
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Vậy pháp [...]